Hỗ trợ:
84-028-3845 3333
Giỏ hàng:
0
(0)
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời cận đại
Tìm kiếm phân loại
tu-dien-cho-android-sachbaovn.jpg
tu-dien-nhat-viet-sachbaovn.jpg
Hoạt động thành viên
Giới thiệu

Công trình này là kết quả của sự kế thừa những thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước, chủ yếu là các nhà nghiên cứu của Việt Nam như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Chương Thâu, Nguyễn Phan Quang, các nhà nghiên cứu nước ngoài như Kawamoto Kunie, Furuta Motoo, Shiraishi Masaya, David Marr… và sự nỗ lực nghiên cứu trong một thời gian dài của chúng tôi. Trên cơ sở nguồn tư liệu khá đầy đủ, chúng tôi đã hoàn chỉnh công trình chuyên khảo nghiên cứu này sâu hơn, toàn diện hơn quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong suốt thời cận đại.

 

Công trình nghiên cứu này, ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung chính gồm 4 phần, 12 chương.

 

Phần 1 : Bối cảnh lịch sử, mối liên hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản cuối thế kỉ XIX

 

Trong phần này, trước hết, chúng tôi xem xét vào cuối thế kỉ XIX, khi các nước phương Đông đứng trước nguy cơ bị xâm chiếm từ các cường quốc phương Tây, Việt Nam và Nhật Bản đã lựa chọn phương thức đối ứng như thế nào và kết quả ra sao ? Tiếp đến, chúng tôi muốn xem xét, trong bối cảnh lịch sử của thời kì đó, giới trí thức Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX đã đánh giá Nhật Bản mở cửa, duy tân như thế nào, và ngược lại, giới trí thức của Nhật Bản đánh giá về Việt Nam trong quá trình bị thực dân Pháp đô hộ ra sao ? Qua đó, chúng tôi tìm ra những mối quan hệ, liên hệ giữa hai nước trong giai đoạn này, mối liên hệ gián tiếp nhưng rất có ý nghĩa.

 

Phần 2 : Phong trào dân tộc Việt Nam tại Nhật Bản đầu thế kỉ XX.

 

Trong giai đoạn này, quan hệ giữa phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam với Nhật Bản chủ yếu thông qua hoạt động của người Việt Nam trên đất Nhật Bản. Trong phần này, chúng tôi làm sáng tỏ những hoạt động phong phú của người Việt Nam tại Nhật Bản đầu thế kỉ XX. Nghiên cứu này góp phần làm thay đổi nhận thức truyền thống về phong trào Đông du. Cho đến này, vẫn còn nhiều người quan niệm rằng phong trào Đông du là phong trào du học Nhật Bản. Tuy nhiên từ quan điểm lịch sử giải phóng dân tộc thì phong trào Đông du không chỉ đơn thuần là phong trào du học Nhật Bản mà là toàn bộ các hoạt động của phong trào dân tộc Việt Nam ở Nhật Bản. Bởi vì rằng, thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản du học không đơn thuần là đi du học mà còn tham gia hoạt động cách mạng, hơn nữa, trong các hoạt động của người Việt Nam ở Nhật Bản, có nhiều hoạt động gây được ảnh hưởng đến phong trào cách mạng trong nước hơn là du học như những hoạt động xuất bản tuyên truyền cách mạng, hoạt động tiếp xúc, học hỏi với các nhà hoạt động cách mạng của châu Á. Trong phần này, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ : Một là, vì sao các nhà hoạt động Việt Nam lại lấy Nhật Bản làm địa bàn hoạt động của phong trào dân tộc Việt Nam ; Hai là, những hoạt động cụ thể của phong trào dân tộc Việt Nam ở Nhật Bản ; Ba là, thái độ của nhân dân và chính quyền Nhật Bản đối với phong trào dân tộc Việt Nam ở Nhật Bản.

 

Phần 3 : Quan hệ thương mại Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn 1919 – 1945.

 

Trong phần này, dựa trên những tư liệu đã khai thác được và những biểu bảng thống kê đáng tin cậy, chúng tôi trình bày các chính sách của Nhật Bản và Pháp cũng như Phủ Toàn quyền Đông Dương liên quan đến quan hệ thương mại giữa hai nước. Đặc biệt, chúng tôi sẽ phân tích sự biến đổi về kim ngạch và cơ cấu thương mại giữa hai nước và nguyên nhân của nó. Trong phần này, chúng tôi còn phân tích bản chất của quan hệ thương mại của Nhật Bản với Việt Nam, đặt nó trong quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với Đông Nam Á cùng thời điểm để so sánh, phân tích và đánh giá.

 

Phần 4 : Quá trình Nhật Bản xâm chiếm Việt Nam và công cuộc kháng Nhật của nhân dân Việt Nam (1940 – 1945).

 

Trong phần này, chúng tôi tích cực sử dụng nguồn tài liệu nhiều chiều, lí giải quan điểm của nhiều phía, nghiên cứu một cách chi tiết về vị trí của Việt Nam trong chính sách Đại Đông Á của Nhật Bản, chính sách của Nhật Bản đối với Việt Nam, những hoạt động cụ thể của quân Nhật trong quá trình xâm chiếm và thống trị Việt Nam cũng như công cuộc kháng Nhật của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh. Chúng tôi cũng đưa ra kiến giải về nạn đói năm 1944 – 1945 và trách nhiệm của Nhật Bản đối với nạn đói này.

 

Nghiên cứu quan hệ Việt Nam và Nhật Bản trong thời cận đại giúp chúng ta lí giải nhiều vấn đề quan trọng trong lịch sử gần một trăm năm đầy biến động và phức tạp của hai dân tộc.

 

Trong chuyên khảo này, chúng tôi cố gắng chú thích phần tư liệu cụ thể, rõ ràng để người đọc tiện tra cứu, mở rộng cho vấn đề mình quan tâm. Về cách phiên âm tên người, tên địa danh Nhật Bản, chúng tôi thống nhất nguyên tắc phiên âm theo cách đọc của người Nhật. Nhưng vì trong các tác phẩm của những nhà nghiên cứu trước sử dụng âm Hán – Việt một cách phổ biến, nên trong trường hợp cần thiết, chúng tôi chú thích thêm âm Hán – Việt vào bên cạnh âm tiếng Nhật để người đọc tiện tra cứu ; đối với các đoạn trích dẫn chúng tôi cứ để nguyên âm Hán – Việt. Về cách viết tên của người Nhật được nêu trong cuốn sách, chúng tôi dùng thống nhất viết họ trước, tên sau như Việt Nam chứ không viết tên trước, họ sau như Âu – Mĩ. Tên người và tên địa danh các nước Âu – Mĩ, chúng tôi để nguyên như trong trích dẫn. Hơn nữa, chúng tôi chỉ viết đầy đủ họ tên lần đầu, còn sau đó thì tuỳ trường hợp cụ thể, chỉ viết họ mà thôi.

 

Đây là cuốn sách chuyên khảo về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong thời cận đại, vừa mang tính tổng hợp vừa có tính chuyên sâu. Hi vọng cuốn sách này có thể dùng làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và cho những ai quan tâm đến lịch sử Nhật Bản, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam nói riêng, giữa Nhật Bản và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Chúng tôi mong rằng, cuốn sách là thông điệp hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa học giả, nhân dân Việt Nam với học giả và nhân dân Nhật Bản, góp phần làm sâu sắc hơn mối “quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh châu Á”.

Sách liên quan
Sách thường được mua kèm với sách này
Hoạt động của cộng đồng về sách này
Thành phần
Bình luận bạn đọc
Đăng nhập để viết bình luận